Các loại giấy in
Đơn cử chiếc hộp giấy đựng điện thoại đơn giản được cấu thành từ nhiều loại giấy khác nhau. Vỏ hộp làm từ giấy Duplex nên hình ảnh, câu chữ rất mịn màng, sắc nét tạo cảm giác sang trọng; được bồi lớp sóng để tăng khả năng cứng cáp. Trong khi đó, quyển hướng dẫn sử dụng lại dùng giấy Couche với bề mặt nhẵn mịn, đọc không bị chói sáng. Nhãn số seri được làm từ giấy Decal. Name card của cửa hàng đính kèm được làm từ giấy Bristol…
Dưới dây là một số loại giấy phổ biến trong ngành in ấn, bao bì giấy:
1. Ford:
Ford là loại giấy phổ biến và thông dụng, thường thấy nhất là giấy A4 trong các tiệm photo. Giấy Ford có bề mặt nhám, bám mực tốt. Định lượng thường là 70-80-90g/m2. Chia thành 2 loại:
+ Giấy Ford trắng: Loại giấy này có độ trắng cao (từ 68% trở lên). Đây là loại giấy được sử dụng nhiều trong in bao thư, giấy tiêu đề, photocopy trong văn phòng, in sách 1 đến 2 màu…
+ Giấy Ford vàng: Giấy có độ trắng thấp (dưới 60%) và thường ngã sang màu vàng. Loại giấy này thường được sử dụng để in sách giáo khoa, sách văn học… Ưu thế của loại giấy này là giá thành rẻ do sản xuất trong nước.
2. Couche
Là loại giấy có bề mặt bóng, mịn, láng, khi in rất mắt mắt và sáng. Đây là loại giấy có độ cứng cao, khi in cho hiệu ứng đẹp mắt. Nó phù hợp với nhiều công nghệ in, đặc biệt là in offset. Thường dùng để in tờ rơi quảng cáo, in catalogue, tạp chí, in poster, in brochure… Định lượng vào khoảng 90-300g/m2.
Ngoài ra còn có giấy Couche matt bề mặt mờ, không bóng nhưng bề mặt nhẵn mịn, đọc không bị chói. Thường để in hình ảnh người, chân dung cho hiệu ứng cao.
3. Bristol
Có bề mặt hơi bóng, mịn, bám mực tốt vừa phải, vì thế in offset đẹp, thường dùng in hộp xà bông, mỹ phẩm, dược phẩm, bìa sơ mi, brochure, card, tờ rơi, poster, thiệp cưới, thiệp mời… Định lượng thường thấy ở mức 230 – 350g/m2.
4. Duplex
Có bề mặt trắng và trơn láng gần giống với Bristol, mặt kia thường sẫm như giấy bồi. Thường dùng in các hộp sản phẩm kích thước hơi lớn, cần có độ cứng, chắc chắn vì định lượng thường trên 300g/m2. Duplex thích hợp cho việc làm bao bì.
5. Decal
Một mặt để in, mặt kia phủ keo, không “ăn mực”. Nên cán màng bóng để tăng tone màu và bảo vệ lớp mực. Các loại decal phổ biến bao gồm:
– Decal giấy: Là bề mặt in (lớp 1) làm bằng giấy.
– Decal nhựa: Là bề mặt in (lớp 1) làm bằng nhựa (có 2 loại: nhựa trong và nhựa trắng sữa).
– Decal bể: Là loại decal mà mặt in được làm bằng một loại giấy đặc biệt, rất dễ vỡ. Khi dán vào sản phẩm thì không thể tháo ra được nguyên vẹn, sử dụng để in các loại tem bảo hành.
– Decal 7 màu: Là loại decal bóng, khi nhìn vào decal sẽ thấy thật nhiều màu sắc chiếu lên trông rất đẹp.
– Decal mỹ thuật: Là Decal của giấy mỹ thuật.
6. Kraft
Giấy Kraft có tính chất đanh và dẻo dai và tương đối thô. Định lượng thường dao động khoảng 50-135 g/cm2. Giấy Kraft thường là màu nâu nhưng có thể được tẩy trắng để sản xuất giấy trắng. Giấy Kraft thường được làm túi hàng tạp phẩm, phong bì thư, sổ, lịch… và đóng gói khác.